Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012



Tổng quan dạy học theo dự án
 1/ Giới thiệu:


Việc đưa dự án vào trong chương trình dạy học không phải là ý tưởng mới lạ hay mang tính cách mạng trong giáo dục. Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, việc triển khai dự án trong thực tế đã được phát triển chính thức thành một chiến lược dạy học. Dạy học theo dự án đã chiếm được vị thế đáng nể trong lớp học sau khi các nhà nghiên cứu hệ thống lại những điều giáo viên vốn đã biết từ lâu: Học sinh sẽ hứng thú hơn với việc học khi có cơ hội thâm nhập vào những vấn đề phức tạp, mang tính thách thức cao, và đôi khi đầy rẫy vấn đề nhưng rất sát với thực tế đời sống.
Dạy học theo dự án vượt xa hơn việc tạo nên sự hứng thú trong học sinh. Những dự án được thiết kế tốt sẽ khuyến khích việc tìm hiểu tích cực và tư duy bậc cao. (Thomas, 1998). Những nghiên cứu về  bộ não đã nhấn mạnh giá trị của những hoạt động học tập này. Khả năng tiếp nhận những hiểu biết mới sẽ được thúc đẩy khi người học được “nối kết với những hoạt động giải quyết vấn đề, và khi học sinh được hỗ trợ để hiểu vì sao, khi nào và bằng cách nào các sự kiện và kỹ năng có liên quan đến nhau” (Bransford, Brown, & Conking, 2000, tr.23).
2/ Thế nào là dạy học theo dự án?


Dạy học theo dự án là một mô hình dạy học trong đó học sinh tham gia vào việc  tìm hiểu những vấn đề hấp dẫn và cuối cùng phải tạo ra được những sản phẩm thực tế. Các dự án cho phép tạo ra nhiều cơ hội học tập tại lớp hơn, rất đa dạng về chủ đề và quy mô, có thể được tổ chức rộng rãi ở các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, các dự án thường có cùng những đặc điểm chung. Dự án được phát triển từ những vấn đề mang tính thách thức, không thể giải quyết chỉ bằng kiến thức học vẹt. Dự án đặt học sinh vào những vai trò tích cực như: người giải quyết vấn đề, ra quyết định, điều tra viên hay người viết báo cáo. Dự án nhắm đến những mục tiêu giáo dục quan trọng và đặc thù chứ không phải chỉ là trò giải trí hoặc bổ sung cho chương trình “thực”. 

3/ Dạy học theo dự án có liên hệ thế nào đến việc khám phá tìm hiểu?


Quá trình khám phá tìm hiểu bao gồm một loạt các hoạt động để thỏa mãn óc tò mò bẩm sinh của con người về thế giới. Trong bối cảnh giáo dục, việc khám phá tìm hiểu này mang một ý nghĩa cụ thể hơn. Giáo viên sẽ áp dụng việc khám phá tìm hiểu như một chiến lược dạy học nhằm khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, lập kế hoạch, tiến hành tìm hiểu, quan sát và suy nghĩ về những gì mình đã khám phá. Tuy nhiên, đây không phải là một định nghĩa khô cứng. Ngay cả trong một lớp học riêng lẻ, các hoạt động tìm hiểu vẫn có thể diễn ra một cách liên tục, từ những hoạt động theo định hướng của giáo viên đến những hoạt động mở rộng theo sở thích của học sinh (Jarret, 1997). 
Sẽ dễ dàng hơn nếu coi dạy học theo dự án là một tập con trong dạy học khám phá. Một nghiên cứu về dạy học theo dự án đã kết luận rằng những dự án như vậy thường tập trung vào những câu hỏi hoặc vấn đề “thôi thúc học sinh phải đối mặt (và “chiến đấu”) với những khái niệm và nguyên tắc trọng tâm của môn học” (Thomas, 2000, tr.3). Hơn nữa, những hoạt động chính trong dự án đã bao hàm quá trình khám phá tìm hiểu và kết cấu kiến thức của học sinh (Thomas, 2000). Học sinh vẫn thường có sự lựa chọn khi thiết kế dự án, cho phép các em theo đuổi ý thích và trí tò mò của mình. Trong quá trình trả lời những câu hỏi do chính bản thân đặt ra, học sinh đã có thể khám phá tìm hiểu thêm về các chủ đề vốn chưa được giáo viên đặt ra như mục tiêu dạy học.
4/ Lợi ích của Dạy học theo dự án là gì?

Dạy học theo dự án mang lại rất nhiều lợi ích cho cả giáo viên lẫn học sinh. Ngày càng nhiều các nghiên cứu lý luận ủng hộ việc áp dụng việc dạy học theo dự án trong trường học để khuyến khích học sinh, giảm thiểu hiện tượng bỏ học, thúc đẩy các kỹ năng học tập hợp tác và nâng cao hiệu quả học tập (Quỹ Giáo dục George Lucas, 2001).
Đối với học sinh, những ích lợi từ dạy học theo dự án gồm:
·         Tăng tính chuyên cần, nâng cao tính tự lực và thái độ học tập (Thomas, 2000) 
·         Kiến thức thu được tương đương hoặc nhiều hơn so với những mô hình dạy học khác do khi được tham gia vào dự án học sinh sẽ trách nhiệm hơn trong học tập so với các hoạt động truyền thống khác trong lớp học (Boaler, 1997; SRI, 2000) 
·         Có cơ hội phát triển những kỹ năng phức hợp, như tư duy bậc cao, giải quyết vấn đề, hợp tác và giao tiếp (SRI, 2000) 
·         Có được cơ hội rộng mở hơn trong lớp học, tạo ra chiến lược thu hút những học sinh thuộc các nền văn hóa khác nhau (Railsback, 2002)
Với nhiều học sinh, tính hấp dẫn của hình thức học này xuất phát từ tính thực tiễn của kinh nghiệm. Học sinh đóng vai và thực hiện hành vi của những người đang hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể. Khi thực hiện một đoạn video tài liệu về vấn đề môi trường, thiết kế tờ rơi hướng dẫn du lịch, quảng bá về các di tích lịch sử quan trọng ở địa phương, hay thiết kế bài trình bày đa phương tiện về những mặt lợi và hại trong việc xây dựng phố mua sắm, học sinh đã được tham gia vào những hoạt động đời thường có ý nghĩa vượt ra khỏi phạm vi lớp học.
Đối với giáo viên, những ích lợi mang lại là việc nâng cao  tính chuyên nghiệp và sự hợp tác với đồng nghiệp, cơ hội xây dựng các mối quan hệ với học sinh (Thomas, 2000). Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cảm thấy hài lòng với việc tìm ra được một mô hình triển khai, cho phép hỗ trợ các đối tượng học sinh đa dạng bằng việc tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn trong lớp học. Giáo viên cũng nhận thấy rằng người được hưởng lợi nhiều nhất từ dạy học theo dự án là những học sinh không học tốt được theo cách dạy học truyền thống.